Lễ hội cầu ngư ở Phú Yên 2021

Lễ hội cầu ngư ở Phú Yên 2021

Là di sản văn hóa quốc gia phi vật thể, lễ hội cầu ngư ở Phú Yên chính là nét đặc sắc của văn hóa nơi đây. Cùng tìm hiểu cụ thể lễ hội này qua bài viết sau.

Phú Yên từ lâu luôn là địa điểm du lịch mà bất cứ ai cũng muốn đặt chân tới. Không chỉ bởi phong cảnh thiên nhiên trù phú, nên thơ, bởi những món ăn ngon đặc sản mà còn bởi các lễ hội nổi tiếng. Trong đó không thể không nhắc đến lễ hội cầu ngư ở Phú Yên – được công nhận là di sản văn hóa quốc gia phi vật thể. Lễ hội cầu ngư với truyền thống lâu đời đã sớm trở thành bản sắc văn hóa của Phú Yên. Cùng Palm Beach Hotel tìm hiểu lễ hội này thông qua bài viết sau.

Đôi nét về lễ hội cầu ngư

Lễ hội cầu ngư là nét văn hóa dân gian mang đậm tín ngưỡng của ngư dân gắn liền với nghề biển. Đây là lễ hội diễn ra ở nhiều nơi nhưng nổi tiếng Nhất vẫn là Phú Yên.

Nguồn gốc lễ hội cầu ngư

Từ xa xưa tín ngưỡng thờ cúng đã trở thành một nét độc đáo trong văn hóa của người Việt. Đối với những người dân vùng biển, cá Ông luôn được tôn thờ và có một vị trí đặc biệt trong đời sống của ngư dân.

Cá Ông chính là tên gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi – Loài cá thường giúp con người vượt qua những hiểm nguy khi lênh đênh trên biển cả. Đặc biệt là những người dân quanh năm gắn liền với nghề biển. Lễ hội cầu ngư là một phong tục văn hóa nhằm thể hiện sự biết ơn của ngư dân với cá Ông. Đồng thời cầu mong cho những chuyến ra khơi thuận buồm, xuôi gió.

Nghi lễ cầu ngư

Lễ hội cầu ngư gồm có hai phần chính. Đó là phần Lễ và phần Hội.

  • Phần Lễ: Là các nghi thức cúng cá Ông.
  • Phần Hội: Bao gồm các tiết mục biểu diễn loại hình văn hóa dân gian độc đáo của Phú Yên như hát hội, hò bá trạo,… các hoạt động thể thao như: đua thuyền, kéo co, đua thúng chai, bóng chuyền,… Là dịp để người dân trong vùng vui chơi, cũng là dịp để du khách có cơ hội mở rộng tầm mắt về một nét văn hóa đặc sắc ở Phú Yên.

Lễ hội cầu ngư ở Phú Yên diễn ra thế nào?

Bên cạnh những đặc điểm chính của một lễ hội cầu ngư như các vùng, lễ hội cầu ngư ở Phú Yên còn được công nhận di sản văn hóa phi vật thể bởi những nét riêng biệt như sau:

Về thời gian diễn ra lễ hội

Không có ngày thống nhất chung tổ chức lễ hội cầu ngư mà tùy vào mỗi nơi tại Phú Yên lễ hội lại diễn ra vào thời gian khác nhau. Ngày được chọn có thể là ngày cá Ông đầu tiên lụy hoặc ngày nhận sắc phong vua hoặc theo phong tục, công việc làm ăn mà bà con trong làng tự định ngày mở hội. Nhưng nhìn chung, các lễ hội cầu ngư ở Phú Yên thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch.

Đây là khoảng thời gian Phú Yên đang bước vào mùa khô, điều kiện tự nhiên, thời tiết đều rất ủng hộ cho các hoạt động vui chơi, lễ hội. Đây cũng là mùa du lịch với số lượng du khách ghé thăm rất lớn. Do đó, nếu bạn muốn tham dự lễ hội độc đáo này đừng quên ghé thăm Phú Yên vào những tháng trên trong năm.

Địa điểm diễn ra lễ hội

Lễ hội cầu ngư Phú Yên được tổ chức một cách long trọng tại lăng Ông. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 41 lăng Ông. Đây chính là nơi diễn ra hầu hết các nghi thức cúng tế trong lễ hội cầu ngư.

Các lăng Ông đều mang dáng dấp của một ngôi đình, thường được xây gần sông, biển và hướng về phía đông. Với kiến trúc nghệ thuật tinh tế, tỉ mỉ, lăng Ông chính là một trong những yếu tố quan trọng trong hồ sơ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Lễ hội cầu Ngư Phú Yên.

Lăng Ông có lịch sử hình thành khá lâu đời. Theo nghiên cứu, công trình này có thể được xây dựng cùng với quá trình hình thành những làng xã đầu tiên ở Phú Yên. Tổng thể lăng được chia làm 3 phần:

  • Phần tước: Võ ca (Sân khấu).
  • Phần giữa: Chánh điện (Thờ ngọc cốt cá Ông, bài vị các vị thủy thần, tiền hiền, hậu hiền).
  • Phần sau: Nơi hội họp và tiếp khách.

Diễn biến lễ hội

Lễ hội cầu ngư Phú yên thường được tổ chức ít nhất hai ngày. Chiều ngày thứ nhất, ban lạch sẽ tiến hành làm lễ rước Ông sanh (Nghinh Ông). Theo đó, ngư dân đưa kiệu ra cửa biển rước Ông và các vị thủy thần về dinh lăng an vị. Đến sáng sớm ngày thứ hai, lễ hội được tiếp tục bằng các lễ cúng yết, dâng lễ vật, dâng trầu rượu. Trưa và chiều tối của ngày thứ hai là thời gian tổ chức lễ cúng khai tiên. Chi phí cúng tế do bà con nhân dân tự đóng góp.

Bên cạnh phần nghi lễ đặc sắc, các hoạt động diễn xướng dân gian chính là nét nổi trội làm nên thành công của lễ hội cầu ngư. Mà trước tiên phải kể đến loại hình nghệ thuật hát bả trạo. Hát bả trạo còn được gọi là hò đưa linh, chèo cầu ngư, hát bạn chèo đưa ông. Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian không thể thiếu trong mỗi lễ hội cầu ngư Phú Yên.

Ngoài ra, lễ hội cầu ngư còn có những loại hình nghệ thuật như hát tuồng (hát bội). Cùng với đó là các hoạt động thể thao vô cùng sôi nổi như: đua thuyền, đua sõng, lắc thúng chai, đi cà kheo, kéo co, đấu võ cổ truyền,… Tất cả tạo nên một lễ hội trang nghiêm nhưng sôi động bậc nhất mà du khách không thể bỏ qua mỗi khi đến thăm vùng đất Phú Yên.

Lễ hội cầu ngư ở Phú Yên nói riêng, các vùng biển nói chung không những làm tăng tinh thần đoàn kết cộng đồng, mà còn củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho những ngư dân ngày đêm bám biển. Cũng là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Và nếu có dịp đến với Phú Yên, bạn nhất định đừng bỏ qua lễ hội này. Cũng như đừng bỏ qua Palm Beach Hotel https://palmbeachhotel.vn/ nếu bạn muốn tìm một nơi dừng chân đẳng cấp khi ghé thăm xứ Nẫu.

0 Comments

Leave your reply